Nhằm đẩy nhanh tiến trình số hóa giáo dục, Bộ GD&ĐT đã đặt ra những mục tiêu cho từng giai đoạn chuyển đổi số, trong đó việc tận dụng cơ hội, tiếp cận trực diện các xu hướng mới của công nghệ giáo dục, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các điều kiện, nguồn lực của xã hội được xác định là mục tiêu hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Hãy cùng Onschool tìm hiểu thêm về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé!
Những thay đổi căn bản khi thực hiện số hóa giáo dục
Chuyển đổi số trong giáo dục thực chất là chuyển hóa giáo dục sang một “hình thái mới”, qua đó làm thay đổi các mối quan hệ nội tại hiện hữu, tạo ra sự đột phá trong phương thức, mô hình giáo dục. Đây là quá trình định hình lại giá trị cốt lõi và tầm nhìn, chuyển đổi cách tiếp cận, phương thức tổ chức hoạt động toàn diện dựa trên nền tảng công nghệ số trong giáo dục.
Chuyển đổi số giáo dục làm thay đổi các hoạt động học tập và giảng dạy truyền thống. Cụ thể, trên nền tảng trực tuyến các hoạt động giáo dục được tích hợp với hoạt động trực tiếp trên lớp dưới sự điều khiển, quản lý của giáo viên. Điều này sẽ tạo ra cơ hội, khuyến khích học sinh tham gia vào môi trường học tập mới đầy sáng tạo và thú vị. Thay vì những bài giảng thiếu trải nghiệm thực tiễn, với các lớp học trực tuyến, học sinh có thể dễ dàng tham gia những chuyến tham quan ảo, khám phá các phản ứng, hiện tượng trong thế giới tự nhiên; tương tác với vật thể được ảo hóa, mô phỏng, tái tạo sinh động, thực hiện thao tác không thể hoặc không có điều kiện thực hiện trong thế giới thực…
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong giáo dục giúp việc học tập của học sinh được cá nhân hóa và bối cảnh hóa dựa trên nhu cầu riêng biệt. Học sinh có thể tự lựa chọn các vai trò, nội dung, mục tiêu học tập và cách học theo tiến độ cá nhân đồng thời có cơ hội lựa chọn bối cảnh thực hành phù hợp để nâng cao trải nghiệm trong quá trình học tập.
Với tiến trình số hóa giáo dục, học liệu cũng có những thay đổi so với trước đây. Cụ thể, các bài giảng sẽ được chuyển đổi từ Offline sang Online, được số hóa tích hợp trong các tiết học và có thể sử dụng cho nhiều thầy cô, học sinh và trường học khác nhau. Học sinh có thể tiếp cận bài giảng không giới hạn, thực hiện các hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin… Với tính mở của hệ thống học liệu, giáo viên có thể dễ dàng điều chỉnh, cập nhật bài giảng chỉ bằng một vài thao tác.
Không quá khó khăn để có nhận thấy phương thức giáo dục trực tuyến hiện nay vẫn đang tiếp tục tồn tại song song với các hoạt động thường nhật của nhà trường. Phương thức này sẽ tạo nên những thay đổi cơ bản và toàn diện cho trường học trong hoạt động quản lý, giảng dạy thông qua các nền tảng, giải pháp, công cụ công nghệ. Có thể nói, dù tạo ra nhiều thay đổi trong hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập nhưng số hóa giáo dục không làm mất đi giá trị và ý nghĩa của việc giảng dạy và học tập.
Xem thêm: Những chuyển biến hiện hữu trong chuyển đổi số ngành giáo dục
Sự phát triển của các hệ thống quản lý đặc thù
Đi cùng tiến trình số hóa giáo dục, các hệ thống quản lý đặc thù lần lượt được ra đời. Trong ngành giáo dục, hệ thống quản lý học tập ngày càng phát triển và được sử dụng rộng rãi. Với hệ thống này, giáo viên có thể đưa nội dung bài giảng và nhiệm vụ học tập đến với học sinh một cách nhanh chóng và đồng bộ. Ngoài ra, hệ thống này cũng cho phép nhà trường theo dõi tiến trình học tập, hoạt động giảng dạy của thầy cô và học sinh từ đó đưa ra những đánh giá, nhận định khách quan và có những giải pháp điều chỉnh kịp thời.
Hiện nay, hệ thống quản lý học tập ngày càng được tích hợp nhiều giải pháp công nghệ, đáp ứng linh hoạt nhu cầu giảng dạy, đa dạng hóa hoạt động học tập của học sinh cũng như hoạt động nghiên cứu của các cán bộ nhà trường. Đây cũng là giải pháp tích cực trong việc hỗ trợ khả năng tiếp cận, mở rộng kiến thức kỹ năng cho học sinh; tăng khả năng tương tác với bạn bè, thầy cô trong quá trình học tập mà không bị giới hạn bởi thời gian và không gian.
Xem thêm: Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hệ thống văn bản đẩy nhanh chuyển đổi số
Tận dụng công nghệ tăng cơ hội tiếp cận trực diện các xu hướng mới
Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030” đã được ban hành. Mục tiêu của Đề án chỉ rõ vấn đề mấu chốt cần giải quyết đó là mối quan hệ giữa nội dung và phương thức thực hiện giáo dục trực tuyến. Cụ thể là tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, tăng hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Một trong những mục tiêu đáng chú ý là đến 2025, tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở tiểu học và 10% ở phổ thông; tỷ trọng lớp học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học đạt trung bình 20%. Đến năm 2030, đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân vào môi trường số.
Có thể thấy, những chuyển biến khả quan trong tiến trình chuyển đổi số của Ngành giáo dục đã cho thấy sự nỗ lực của Bộ GD&ĐT, nhà trường và thầy cô trong suốt thời gian qua. Là một đơn vị công nghệ về giáo dục, một đối tác uy tín chuyên đồng hành cùng các cơ sở đào tạo trọng tiến trình chuyển đổi số, Onschool đã và đang nỗ lực hết mình, cung cấp những giải pháp công nghệ, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý, giúp cho tiến trình chuyển đổi số tại các trường học diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Bài viết tham khảo từ Báo Giáo dục và Thời đại