Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động giảng dạy và quản lý tại các cơ sở đào tạo. Dù đang trên quá trình thực hiện chuyển đổi số nhưng ngành Giáo dục tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Hãy cùng Onschool tìm hiểu về quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam trong bài viết dưới đây nhé.

Tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Tại Việt Nam, việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được đặt ra từ nhiều năm. Từ tháng 1/2017 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều đề án nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, đưa ra những định hướng giáo dục trong tương lại. 

Gần đây, vào tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu chung của đề án là tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức giáo dục, đưa việc dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến, hình thành kho học liệu trực tuyến quốc gia, đáp ứng nhu cầu về tài liệu học tập. Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Mục tiêu đến năm 2030, Chính phủ muốn đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân vào môi trường số. Trong đó, giáo dục đại học số trở thành trụ cột của hệ thống giáo dục đại học, chiếm tỷ trọng 30% quy mô, 100% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo hình thức từ xa, trực tuyến, 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.

Những bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số giáo dục

Với sự nỗ lực thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ trong suốt thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã đạt một số thành tựu quan trọng, có thể kể đến như:

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Bộ GD&ĐT đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin của tất cả các trường học bao gồm các cấu phần cơ sở dữ liệu thành phần và tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở GD&ĐT, 710 phòng GD&ĐT. Qua đó, Bộ GD&ĐT đã gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh, hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý từ 53 nghìn trường học. 

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã kết nối thành công Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên (đạt 95%) và gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%).

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã triển khai đồng bộ và triệt để CNTT phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học. Hệ thống dịch vụ công đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2022, trong đó số học sinh đăng ký trực tuyến đạt hơn 93%, số thí sinh thực hiện các hình thức thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đạt hơn 97%.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã khuyến khích và ban hình quy định trong việc xây dựng học liệu số và khoá học trực tuyến. Hiện tại, kho học liệu số toàn ngành được xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa với hơn 7.000 bài giảng điện tử E-learning có chất lượng và hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, con số này vẫn tiếp tục gia tăng trong tương lai.

Hình thành các tiêu chí đánh giá kết quả chuyển đổi số 

Để đánh giá khách quan, công bằng kết quả chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT quyết định đưa ra bộ chỉ số đánh giá dựa trên yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bộ chỉ số có tính mở, có thể cập nhật phù hợp với tình hình thực tế theo từng năm học.

Bộ chỉ số gồm 2 nhóm tiêu chí: “Chuyển đổi số trong dạy, học” và “Chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục”. Trong đó, mức độ chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục được đánh giá theo từng nhóm tiêu chí thành phần, thang điểm tối đa là 100, mỗi nhóm tiêu chí được đánh giá ở ba mức độ:

– Mức chưa đáp ứng (Mức độ 1): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí dưới 50. Ở mức này, cơ sở giáo dục chưa đáp ứng các yêu cầu cơ bản về triển khai chuyển đổi số.

– Mức đáp ứng cơ bản (Mức độ 2): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí đạt từ 50 đến 75. Ở mức này, cơ sở giáo dục đã đáp ứng yêu cơ bản về triển khai chuyển đổi số.

– Mức đáp ứng tốt (Mức độ 3): Tổng điểm của mỗi nhóm tiêu chí đạt trên 75. Ở mức này, cơ sở giáo dục đáp ứng tốt các yêu cầu cơ bản và một số yêu cầu nâng cao về triển khai chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục ngày càng được đề cao và được xem là giải pháp lâu dài mang tính chiến lược của ngành giáo dục nước ta. Với sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ, hiện nay, Bộ Giáo Dục đã ban hành nhiều chính sách đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số nhằm khuyến khích ứng dụng công nghệ  vào giáo dục. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã phát triển các sản phẩm, hệ thống, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số tại các trường học diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn. Là một công ty công nghệ về giáo dục, Onschool hiện đã và đang cung cấp các giải pháp học tập trực tuyến, đáp ứng đa dạng đối tượng người học từ khối phổ thông (lớp 1 đến 12) đến đại học, sau đại học và các khóa học bổ trợ kỹ năng.

Bài viết tham khảo từ Báo Giáo dục thời đại

0769899899