Liên tiếp gần đây, nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc. Nguyên nhân của những sự việc này là gì? Có xuất phát từ giáo dục trong gia đình? Và làm gì để những vụ việc phản giáo dục như thế này không xảy ra trong môi trường giáo dục, dù là sau cánh cổng trường hay ngoài đường, trên không gian mạng?

Mối quan hệ giữa giáo dục trong gia đình và bạo lực học đường

Ngày nay, khi nhắc đến giáo dục, phần lớn mọi người nghĩ ngay đến trường học, trung tâm đào tạo, lớp học kỹ năng,…. để có những thói quen, lối sống tốt hay xa hơn là chuẩn bị chọn ngành nghề hoặc hướng nghiệp tương lai cho con. Dường như mọi người đã quên, một trong những hình thức giáo dục quan trọng mang hiệu quả đặc biệt chính là giáo dục trong gia đình.

Việc thiếu giáo dục trong gia đình có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường, điển hình có thể kể đến việc trẻ có hành vi bạo lực học đường. Trên thực tế, bạo lực học đường tồn tại ở rất nhiều hình thức khác nhau tùy vào nhiều nhóm đối tượng học sinh khác nhau. Bao gồm bạo lực về thể chất, bạo lực bằng lời nói, bạo lực xã hội, bạo lực điện tử…

Có thể nói, bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng đầu tiên phải kể đến là yếu tố từ bản thân các em học sinh, do sự thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi thông thường trong giai đoạn từ 12-17 tuổi.

Tại trường học, cách giáo dục hiện vẫn còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người

Và một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bạo lực học đường là từ những yếu tố về mặt gia đình. Đó có thể là do sự giáo dục chưa đúng đắn từ cha mẹ khiến con cái tâm sinh lý phát triển không bình thường cũng dễ dẫn đến những tình trạng bạo lực học đường…

bạo lực học đường
Giáo dục trong gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế bạo lực học đường

Thêm vào đó, môi trường sống xung quanh cũng dễ tạo bối cảnh cho bạo lực học đường.

Tầm quan trọng của giáo dục trong gia đình với vấn đề bạo lực học đường

Giáo dục trong gia đình trước hết là giáo dục các thế hệ những giá trị tốt đẹp được lưu lại từ truyền thống dòng họ, gia đình. Sau đó là khái niệm đạo đức và giá trị sống mà dân gian quý trọng, nâng niu. Cuối cùng, ở nghĩa hiện đại bây giờ, giáo dục trong gia đình là sự giao lưu chặt chẽ về mặt cảm xúc giữa bố mẹ- con cái, chia sẻ vui buồn, qua đó cùng con học nhiều điều hay, xây dựng một lối sống đẹp. 

Mỗi ngày, phụ huynh đừng chỉ hỏi con trẻ hôm nay kiểm tra bao nhiêu điểm, đã ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi chưa… Hãy sống chậm lại để cởi mở trò chuyện với con, dạy con trẻ biết trân quý cơ thể mình và người khác, dạy con kỹ năng phòng vệ, biết cách chống lại cái xấu, biết tìm địa chỉ để tố giác cái ác… Và đừng sống thay con, đừng gánh vác lỗi lầm thay con mà hãy dạy con biết chịu trách nhiệm với mỗi hành động, lỗi lầm của mình!

Giáo dục trong gia đình dễ có hiệu quả vì đó là những bài học ít rườm lời, không áp lực, xảy ra hàng ngày, tiếp nhận tự nhiên “vào” lúc nào không biết – như một thói quen. 

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con người, việc giáo dục của gia đình quan trọng hơn giáo dục của nhà trường. Ngay từ giáo dục trong gia đình nếu làm tốt, xây dựng tốt văn hóa gia đình sẽ góp phần quan trọng giải quyết nạn bạo lực học đường.

bạo lực học đường
Thiếu giáo dục trong gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường

Nhà trường đóng vai trò quan trọng chỉ sau gia đình trong việc phòng chống bạo lực học đường. Nhà trường là nơi có kế hoạch, có phương pháp, có đội ngũ, có cơ sở vật chất tốt nhất để thực hiện những nội dung giáo dục này. Vì vậy, nhà trường cần gắn bó chặt chẽ giữa việc “dạy chữ” với “dạy người”, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, phải tùy vào từng bậc học cụ thể để có nội dung và cách thức gắn bó phù hợp.

Nói tóm lại, giáo dục trong gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng với sự phát triển của trẻ. Chúng ta sẽ không phải “cầu cứu” đến bất kỳ một cơ sở giáo dục nào nếu mỗi thành viên có sự giao lưu cảm xúc và gắn kết tình cảm, trách nhiệm với nhau.

0979208390