Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của chính phủ đã ban hành một số quy định mới về cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
- Toàn bộ công chức cấp xã có bằng đại học
Nghị định số 33 của chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/8/2023 quy định rõ tiêu chuẩn của từng chức danh công chức cấp xã như sau:
- Tiêu chuẩn công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quân sự. Theo Thông tư liên tịch 01/2013/TTLT-BNV-BQP yêu cầu Chỉ huy trưởng phải có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở trở lên.
- Tiêu chuẩn của công chức Văn phòng – thống kê; Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính – kế toán; Tư pháp – hộ tịch; Văn hóa – xã hội như sau:
– Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên;
– Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;
– Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã.
Như vậy, nghị định quy định rõ tiêu chuẩn về khung năng lực của công chức cấp xã là từ đại học trở lên (trừ trường hợp luật hoặc điều lệ của tổ chức có quy định khác).
Cũng theo quy định chuyển tiếp tại Điều 38 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, đối với các cán bộ, công chức cấp xã chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì trong thời hạn 5 năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực (01/8/2023) phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định. Trong trường hợp hết thời hạn mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì sẽ thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
- Những trường hợp công chức cấp xã KHÔNG bắt buộc có bằng đại học
Có ba trường hợp ngoại lệ không bắt buộc công chức cấp xã phải có bằng đại học:
Thứ nhất, trường hợp pháp luật có có quy định khác
Chẳng hạn tại Điều 72 Luật Hộ tịch 2014 có quy định công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã phải có các tiêu chuẩn sau đây:
– Có trình độ từ trung cấp luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch;
– Có chữ viết rõ ràng và trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc.
Do đó, đối với chức danh công chức tư pháp – hộ tịch, hiện nay chỉ yêu cầu có trình độ từ trung cấp luật trở lên mà không bắt buộc phải có bằng đại học.
Thứ hai, trường hợp công chức cấp xã làm việc tại các địa bàn khó khăn
Chỉ yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức cấp xã làm việc tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, quy định chuyển tiếp tại Điều 38 Nghị định 33/2023/NĐ-CP
Như đã đề cập ở trên, quy định này nêu rõ trường hợp cán bộ, công chức cấp xã đang giữ chức danh quy định mà chưa có bằng đại học sẽ có thời gian 5 năm để đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Nếu quá thời hạn 5 năm kể từ ngày 01/8/2023 thì sẽ xảy ra 2 trường hợp: Nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc tinh giản biên chế theo quy định của chính phủ.
- Cán bộ, công chức có thể sử dụng bằng đại học trực tuyến để bổ sung hồ sơ
Tại Việt Nam, bằng đại học trực tuyến được công nhận có giá trị tương đương với bằng đại học chính quy. Điều này được quy định tại Luật Giáo dục Đại học số 34/2018/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT cho phép không ghi hình thức đào tạo như “chính quy”, “tại chức”, “từ xa”… trên văn bằng đại học mà chỉ ghi trên phụ lục văn bằng, có hiệu lực từ ngày 1/3/2020.
Như vậy, bằng đại học trực tuyến có giá trị pháp lý và giá trị sử dụng như bằng đại học chính quy. Cán bộ, công chức tốt nghiệp đại học trực tuyến có thể sử dụng bằng cấp của mình để bổ sung hồ sơ, phục vụ công tác.
Học đại học theo hình thức trực tuyến rất phù hợp đối với các cán bộ, công chức – những người bận rộn, không sắp xếp được thời gian học cố định. Với hình thức này, các cán bộ có thể học tập tại nhà, chủ động sắp xếp thời gian học theo lịch trình cá nhân để không ảnh hưởng đến công việc. Ngoài ra, phương thức tuyển sinh của đại học trực tuyến chỉ gồm một hình thức là xét tuyển, giúp cán bộ công chức giảm bớt áp lực ôn thi, dễ dàng tiếp cận với chương trình học.
Nguồn: thuvienphapluat.vn